VÀI SUY NGHĨ CỦA TRÀ MY VŨ VỀ CÁI DẠI CỦA NGƯỜI VIỆT KHI ĐI LỄ ĐỀN, CHÙA VÀO CÁC DỊP LỄ HỘI


Đi lễ đền, chùa từng được coi là nét đẹp văn hóa của người Việt, nhưng hiện nay, không ít người trong chúng ta vì kém hiểu biết đã làm cho nét đẹp này bị bóp méo và thậm chí thành đôi khi còn biến  thành " thảm họa".
 Vào dip đầu xuân mới, ở khắp nơi trên miền Bắc có rất nhiều lễ hội được tổ chức ví dụ: Hội chùa Hương,  lễ hội chùaYên Tử, lễ phát ấn đền Trần, hội đền Gióng, hội Phủ Giầy, hội đền Hùng...
 Với tâm niệm "uống nước nhớ nguồn", người dân khắp nơi nô nức kéo nhau về đền, chùa để trảy hội. Điều này thật đáng quý nhưng vào những ngày khai mạc lễ hội, với sức chứa của các ngôi đền, chùa chỉ được vài  ngàn người, trong khi đó hàng triệu người dân  đổ về khiến cho chốn linh thiêng  bỗng trở nên hỗn loạn.
Người người chen lấn xô đẩy, cố sống cố chết để len bằng được vào đền, chùa mới thôi.
Khi xem  clip lễ hội đền Hùng vào ngày 10/3 vừa rồi mọi người  chắc không khỏi lắc đầu ngao ngán. Những đám đông chật như nêm cối, ồn ã như ong vỡ tổ nhích từng chút một dưới cái nắng gay gắt của đầu hè. Nhiều người  đầu đội thùng cat- tông đựng lễ vật, mặt phờ phạc, xanh như tàu lá chuối, mồ hôi mồ kê vã ra như tắm. Chưa kể những đứa trẻ được bố kiệu trên vai nhìn đám đông sợ quá khóc thét vì hoảng sợ. Rồi những tốp người bất chấp nguy hiểm đu dây,  trèo dốc để leo lên đền Hạ.
 Tôi thật không hiểu những người đó họ nghĩ gì và họ đi lễ vì mục đích gì nữa?
Các cụ ta thường nói: " Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa" và " nén hương thơm thấu đến cửu trùng" nên vào những ngày lễ tiệc, dù không đến được cửa ngài thì ta có thể dâng lễ vật tùy tâm và thắp nén hương ở bàn thờ tổ tiên nhà mình, lòng thành tâm hướng về Phật Thánh, tổ tông... như thế  thiết  nghĩ còn tốt hơn rất nhiều cái đám đông hỗn loạn trước cổng đền, chùa kia.
 Khi đi lễ,  ta không chỉ tâm thành mà cả y phục cũng phải tươm tất và thơm tho, nhưng liệu những người kia sau khi chen bẹp ruột mới lên được đền, chùa quần áo bốc mùi, mặt mũi phờ phạc, đầu tóc rối bời thử hỏi liệu  sẽ được phúc hay phải tội?
 Chưa kể trong lúc chen lấn xô đẩy, nhiều khi còn xảy ra cãi vã, ẩu đả, trộm cắp móc túi, "lấy nhầm lộc" của người khác...
Có nhiều người trong số họ chả biết nghĩ gì khi đem con em mình vào đày ải giữa đám đông nghẹt thở, hãi hùng  ấy. Nếu chẳng may đứa bé xảy ra chuyện gì thì phúc đâu chưa thấy họa đã thấy rồi.
Chuyện đi lễ kiểu đó không chỉ mới xảy ra lần đầu mà năm này đến năm khác cứ diễn hoài chẳng hề thay đổi.
Nếu vua Hùng và các vị thần linh từ trên cao nhìn xuống   thấy cảnh tượng cháu con mình ngu dại, kém hiểu biết và thiếu ý thức như thế chắc hẳn sẽ rất đau lòng
   Ở ta, có rất nhiều cán bộ tuyên giáo và các tổ chức tôn giáo vì sao không có ai đứng ra để " giác ngộ" họ. Còn ban tổ chức lễ hội thì sao? Chả lẽ không có biện pháp khắc phục tình trạng trên?
 Xem xong clip 'lễ hội đền Hùng", tôi cứ thầm ước: "  Giá như những tín đồ đi lễ kia khi đến nơi, thấy cảnh đông nghẹt thở ấy, thay vì chen chúc, xô đẩy để lên đền thì trật tự từng người từng người một đến thắp nén nhang trước đài tưởng niệm của vua Hùng, dâng chút giọt dầu vào hòm công đức rồi  thành tâm kính cẩn hướng về chốn tổ tối linh..." Chỉ thế thôi cũng đủ để các vị thần linh, tiên tổ cảm động và chứng tâm cho rồi.
Nếu mong ước nhỏ nhoi ấy của tôi thành hiện thực thì việc đi lễ đền, chùa  mới thực sự là một nét đẹp văn hóa  của người Việt Nam chúng ta.




My Instagram

Copyright © MÙA HOA BÁCH HỢP. Made with by OddThemes