BÀI VIẾT THÁNG TRI ÂN THẦY CÔ GIÁO - VẦNG TRĂNG DỊU HIỀN



Trăng hiền chắp cánh giấc mơ/ Cho con bay giữa tuổi thơ ngọt ngào...
...........................
..........................................

Hàng năm, cứ đến tháng 11, lòng tôi lại thấy bồi hồi xao xuyến bởi những kí ức đẹp đẽ về một thời đi học bất chợt ùa về. 
Tôi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè, đặc biệt nhớ thầy cô - những người lái đò bình dị mà vĩ đại, cao quý mà thân thương. 
Có một người tôi nhớ nhất đó là cô giáo dạy văn lớp 6 của lớp tôi.
Cô giáo tôi tên Hiền, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
 Cô có dáng người mảnh dẻ, nước da trắng trẻo tuy hơi có chút xanh xao, nhưng nụ cười hiền hậu, giọng nói đầy truyền cảm,  ấm áp lạ thường. 
Trong kí ức của tôi, cô giống như vầng trăng nhỏ dịu hiền giữa bầu trời đêm bao la, như lòng mẹ từ bi, giúp tôi vững chắc những bước đi đầu đời.
 

Cô thường rất vui, nở nụ cười rạng rỡ mỗi khi tôi được điểm mười đỏ chói còn những lúc tôi làm bài không tốt bị điểm kém, cô cũng không nổi cáu hay mắng mỏ mà đến bên tôi, ân cần nhắc nhở: " Lần sau, con phải cố gắng hơn nhé. Con bị điểm kém khiến cô rất buồn lòng".

Cô giáo của tôi rất siêng năng, cần mẫn hệt như một chú ong thợ. 

Ngày hai buổi, dù nắng hay mưa, dù ngày hè nóng nực, hay ngày đông giá buốt, cô luôn đến sớm trước giờ một chút để giảng bài và kèm cặp cho các bạn học yếu kém trong lớp.
 Vào những ngày chủ nhật, cô cũng chẳng nghỉ ngơi mà đến các lớp học tình thương để dạy chữ, dạy hát cho các bạn học sinh khuyết tật ở đó.
Có một điều làm tôi thích thú nhất là thỉnh thoảng trên đường đi học gặp cô và được cô chở đến lớp.  
Lúc đó, tôi ngồi ở sau xe, hai tay ôm chặt ngang lưng cô, cái đầu thì nghênh  nghêng vẻ hãnh diện, thích chí cười híp cả mắt lại.  
Khi  ấy, tôi chỉ mong con đường dài hơn, dài mãi… hihi…
 Tôi còn nhớ một lần, trước ngày 20-11 vài bữa, trong giờ văn của cô, tôi đang chăm chú nghe giảng thì chợt thấy bụng đau thắt lại, khiến mặt tôi tái nhợt, vã mồ hôi trán. 
Tôi lo sợ quá khóc tu tu như một đứa trẻ. Mặt tôi méo xệch, miệng mếu máo, toàn thân run rẩy :
- Cô ơi…cứu con… Con sắp chết rồi…
Cô bé ngồi cùng bàn  nắm lấy tay tôi ứa nước mắt, lay gọi:
- T ơi! Cậu làm sao thế? Cậu đừng làm mình sợ nhé…
 Đang đứng trên bục giảng, nghe tiếng tôi gọi, cô buông vội viên phấn, hốt hoảng chạy lại chỗ tôi:
- T ơi! Con sao thế?  Sao thế con? – Cô lo lắng hỏi tôi,  líu cả giọng lại.
Tôi ôm chặt lấy bụng,  người run như cày sấy, nói trong tiếng nấc:
-Con sắp chết rồi…huhu…
Các bạn trong lớp đổ xô về phía tôi, dồn dập hỏi han.  Cô liền quay ra trấn an mọi người:
-Chuyện của T đã có cô lo, còn các con hãy về chỗ, lấy vở ra làm bài tập đi.- Ngừng giây lát, cô quay sang nói với bạn lớp trưởng- Con nhớ giúp cô quản lớp cho tốt nhé.
  Sau đó, cô ghé lưng cõng tôi chạy bộ đến bệnh xá. Các bạn trong lớp cũng muốn đi theo nhưng cô không nhất định không cho phép. 
Cô cõng tôi theo lối đi tắt  cho gần nên phải lội qua một con mương nhỏ.
Bình thường, chắc cô  chỉ lội vèo một cái là qua bờ bên kia nhưng vì phải cõng một người ốm trên lưng  khiến cho cô có cảm giác  con mương như rộng thêm, khó lội hơn rất nhiều.
 Có lúc, chân cô run run, bước hụt  xuýt nữa thì cả hai cô trò ngã nhào xuống nước.
  Trời mùa đông nước lạnh ngắt, tuy phải lội bì bõm trong nước nhưng trán cô vẫn lấm tâm mồ hôi. Thương cô quá, tôi cố gượng đau,  giọng thì thào:
-Cô ơi! Con muốn xuống lội cùng cô ạ.
- Không được đâu. Ở yên đó. Ngoan nào. Ôm chắc lấy cổ cô nhé. Sắp tới bờ rồi.

Sau bao cố gắng, cuối cùng hai thầy trò cũng tới được bệnh xá. Cô cõng tôi thẳng vào phòng cấp cứu, đặt tôi xuống giường. 
Tuy mệt thở không ra hơi nhưng cô vẫn cố hết sức gọi  bác sĩ:
- Bác sĩ ơi, cứu … con tôi với… Cứu với…
Lúc bác sĩ chạy tới nơi cũng là lúc cô mệt quá gục xuống giường. Và  khi ấy, bác sĩ phải cấp cứu cho cả hai thầy trò.
Lần đó, thì ra chỉ tại tôi lười ăn rau nên nên không đi cầu được mới sinh ra đau bụng như thế.
 Tôi đã khiến cho cô và cả lớp vô cùng lo lắng. 
Sau này nghĩ lại chuyện đó, tôi cứ thấy ân hận mãi.
Hè năm ấy, mẹ đưa tôi ra Bỉm Sơn để dự đám cưới một người bà con bên ngoại.
Quê tôi là một làng nhỏ ven sông, nghèo lắm, bao năm rồi chẳng thể có tiền để xây nổi một cây cầu nên mối khi muốn đi đâu ra khỏi làng đều phải đi đò qua sông.
 Cũng chỉ là đi xa một buổi rồi về nhưng khi tôi theo mẹ bước xuống thuyền, chả hiểu sao  cứ thấy lòng  dạ nao nao khó tả.
Nhìn chị lái đò oằn lưng chở khách vẻ rất cực nhọc, mồ hôi thánh thót rơi, mẹ khẽ nói với tôi: " Con à, thầy cô giáo của con cũng giống chị lái đò kia, rất vất vả, nhọc nhằn để dạy dỗ các trò yêu của mình nên con nhớ phải học hành cho tốt để khỏi phụ công lao của thầy cô con nhé". 
Tôi dân dấn nước mắt, khẽ nói giọng run run: " Con nhớ rồi ạ."
 Đang mùa nước lớn nên lòng sông rộng mênh mông còn con đò thì bé nhỏ chơi vơi.
Nhìn cái dáng gầy còm của chị lái đò, tôi lại thấy chạnh lòng thương cô giáo tôi vô cùng. 
Ngày ấy, tôi thường hay thắc mắc và nói với tụi bạn: " Cô giáo mình xinh như thế mà sao chẳng chịu lấy chồng nhỉ? "

 Cả lũ chúng tôi chỉ biết nhìn nhau lắc đầu vì chẳng đứa nào biết được nguyên do cả. 

Một lần, cô bị ốm phải đi điều trị ở trạm xá. 
Tôi vào thăm, thấy cô nằm dài thượt trên giường bệnh, mặt tái nhợt, môi khô nứt nẻ thì chạy vội đến cầm tay cô, miệng mếu máo, khẽ gọi: 
- Cô ơi! Cô làm sao thế? Nhìn cô con thấy thương lắm... Con lo lắm...
  Cô ơi...
Tôi chỉ nói được có thế rồi òa khóc nức nở bởi vì tôi rất sợ lỡ mà cái lão thần chết độc ác lởn vởn đâu đây đang rình rập để bắt cô giáo của tôi đi.
Cô thấy thế giơ bàn tay gày guộc ra nắm chặt tay tôi, khẽ nói bằng cái giọng yếu ớt, ngắt quãng:
-Con à, đừng khóc nữa. Cô không sao đâu. Cô chỉ bị viêm họng xoàng thôi mà. Vài bữa nữa, cô sẽ khỏi và về lớp dạy các con.
Tôi nắm chặt tay cô, cắn chặt môi để kìm nén cảm xúc. 

Thật lòng, lúc đó, tôi muốn gọi cô một tiếng “ mẹ ơi!” nhưng không hiểu sao lại chẳng thể thành lời. 
Ngoài trời, gió bấc rít gào từng cơn. Tôi thấy căm ghét những cơn gió bấc ấy bởi nghĩ rằng nó là nguyên nhân làm cho bệnh của cô thêm nặng.
Rồi tôi nhắm mắt lại, thầm khấn nguyện: “ Cầu mong sao mùa đông bớt lạnh để cô giáo của con chóng khỏi bệnh… Ông trời ơi! Con xin ông đấy…hị hị”
Sau đó ít lâu, tôi và mẹ rời làng lên Hà Nội để sống cùng bố tôi. 
Sống giữa chốn đô thành hoa lệ, ồn ào, náo nhiệt nhưng tận nơi sâu thẳm của trái tim mình, tôi luôn nhớ về con sông quê tôi với bến đò nhỏ và đặc biệt là cô- người mẹ hiền thứ hai của tôi.
 
Mỗi mùa hiến chương tới, tôi rất nhớ cô nhưng chẳng thể về thăm được. Tôi thường mua một chùm bóng bay nhỏ, mang ra bãi đá ven sông, thả lên không trung rồi nhìn vào khoảng trời bao la trước mặt thầm gọi: “ Cô ơi! Con nhớ cô lắm… Con nhớ vô cùng. Mong cô ở nơi ấy mạnh khỏe và bình an… Con…"

Năm năm sau đó, tôi được bố mẹ cho về thăm quê. Cả đêm hôm trước, tôi hồi hộp, thao thức không sao ngủ được. 
Sáng hôm sau, tôi đậy rất sớm để cùng bố mẹ ra ga đón ô tô xuôi Thanh Hóa. 
Lòng tôi náo nức như một đứa con đi xa lâu ngày, nay mới có dịp về thăm mẹ của mình. Và nỗi nhớ cô bỗng cồn cào trong gan ruột của tôi.
Bến sông xưa, nay đã đổi thay rồi. Trước mắt tôi là một cây cầu bê tông xinh xắn vắt ngang sông. Người lái đò thuở trước cũng đã rời đi nơi khác kiếm sống. 

Không hiểu sao trong lòng tôi bất chợt có một dự cảm chẳng lành. Tôi thở dài, khẽ nói một mình: 
“ Chỉ mong sao điều ấy không phải là sự thật…”
Gần tối, tôi mới về đến làng. Vừa đến đầu làng, tôi đã ôm gói quà nhỏ chạy như bay tới nhà cô. 
Món quà mà tôi mua tặng cô là một chiếc đồng hồ báo thức xinh xắn bởi vì tôi mong muốn ông trời sẽ ban cho cô một quỹ thời gian thật lớn để cô còn “ chở đò” đưa thật nhiều những đứa trẻ như tôi qua sông cập bến an lành.
Tới đầu ngõ, tôi đã cất tiếng gọi:
-Cô ơi! Con đã về rồi. Cô ơi... Con về rồi…
Rồi tiếng gọi của tôi bỗng nghẹn lại. Tôi sững sờ khi đứng trước di ảnh của cô được đặt ngay ngắn trên ban thờ. Tôi không tin, nhất định không tin dù đó là sự thật.
Tôi để vội gói quà xuống bàn trà rồi chạy vào buồng tìm cô, hốt hoảng gọi:
Cô ơi! Cô đâu rồi?
 Chả thấy người đâu, chỉ thấy chiếc giường trống trải và lạnh ngắt. 
Tờ lịch đã dừng lại ở THỨ SÁU NGÀY 13.  Chiếc xe đạp cô chở tôi đến lớp ngày nào chẳng ai đi đến rỉ ngoen rỉ ngoét.
Tôi chạy xuống bếp. Căn bếp bừa bộn nhưng khói lạnh tro tàn. Tôi liền chạy ra vườn. Mảnh vườn nhỏ bị bỏ hoang lâu ngày nên cỏ dại mọc um tùm. Tôi nhìn bốn phía, ngơ ngác, hốt hoảng như chú gà con lạc mẹ.
-Cô ơi! Cô đi đâu rồi? Con muốn gặp cô… Con rất muốn gặp cô.- Tôi cứ thế gọi mãi…gọi mãi vì nghĩ rằng nghe tiếng tôi gọi cô nhất định thấy thương xót và sẽ quay trở về...
 Một  bà cụ hàng xóm thấy thế đã chạy sang nói với tôi:
-Con à, cô giáo  đã mất được một năm rồi, còn bà mẹ của cô ấy giờ về ở với người chị cả ở thôn bên cạnh, nên chỉ  tuần rằm, bà ấy mới qua đây nhang khói cho con gái thôi.
Cô giáo tôi đã đi xa thật rồi sao? Cô ơi! Sao cô đi vội thế? Sao cô không đợi con về…Sao cô không đợi con ...?
Tay tôi run run cố gắng đặt chiếc đồng hồ báo thức lên bàn thờ của cô, rồi thắp nén nhang. Tôi chắp tay, nhìn di ảnh của cô và  bật khóc nức nở:
-Con về muộn mất rồi… huhuhu…

 Sau đó, nghe cbaf cụ hàng xóm kể lại tôi mới biết cô giáo của tôi đã bị căn bệnh máu trắng quái ác cướp đi mạng sống của mình. 
Cô bị mắc bệnh ấy từ thời đi thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn năm xưa. 
Thì ra, vì lẽ đó mà cô không chịu lấy chồng và dành hết tình yêu thương  cho những đứa học trò nhỏ như tôi.
 
Thế mà tôi không hay biết gì cả. Nếu biết trước, tôi đã về để gặp cô sớm hơn. Tôi không chỉ nợ cô ân tình mà còn nợ cô một câu gọi thân thương nhất- hai tiếng “ MẸ ƠI!”
Bất giác, tôi chạy ra bờ sông, nhìn đăm đắm về khoảng trời trước mặt, da diết gọi:
“Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con yêu mẹ… Con rất yêu mẹ… Mẹ ở đâu rồi… Mẹ có còn nghe được tiếng con gọi không… Mẹ ơi! Con đau buồn quá! Con ân hận quá…huhuhu…”

Trời chớm đông, càng về khuya sương xuống nhiều càng thêm giá lạnh. Tôi đứng co ro bên bờ sông gió lộng. 
Bất chợt, tôi nhìn thấy từ phía chân trời xa, vầng trăng nhỏ bé đang từ từ nhô lên khỏi lũy tre làng. 
Có lẽ, tiếng gọi da diết của tôi đã cảm động được lòng trời nên Người đã đã run rủi cho vầng trăng mọc sớm hơn thường lệ.
Nhìn vầng trăng khuyết chơi vơi, đơn chiếc trên khoảng trời rộng lớn bao la khiến  mắt tôi nhòe lệ:
Vầng trăng ai nỡ cắn đôi
Âm dương cách trở đơn côi ngậm ngùi.

Tôi bước đi trong đêm, bước chân hụt hẫng, chơi vơi.
 Bất chợt, tôi như thấy lời của cô thì thầm bên tai tôi, ân cần nhắc nhở : “ Dù cuộc sống này có khó khăn trắc trở đến mấy thì con cũng không được phép dừng lại bởi vì nếu con dừng lại con sẽ bị tụt lại phía sau. Con nhớ phải dũng cảm tiến lên phía trước. Cố lên con nhé. Cô sẽ luôn ở bên con.”
Vâng, con sẽ ghi nhớ lời cô dặn, sẽ dũng cảm tiến về phía trước bởi vì con có cô như vầng trăng nhỏ dịu hiền mãi soi sáng hồn con. 

Cô ơi! Con yêu cô rất nhiều- người mẹ ở trường của con.
Rồi tôi chợt nhớ lại mấy vần thơ vụng dại thuở học trò đã viết tặng cô ngày nào:
Trăng hiền chắp cánh giấc mơ
Cho con bay giữa tuổi thơ ngọt ngào.
Cánh diều mang nỗi khát khao
Chuyên cần rèn luyện thành sao sáng trời
Dẫu mai xa cách quê người
Trong tim con mãi rạng ngời ánh trăng.



My Instagram

Copyright © MÙA HOA BÁCH HỢP. Made with by OddThemes