Có những giọt lệ rơi nhưng lại khiến lòng ta tràn ngập niềm vui và hạnh phúc...
...........................................
...........................................................
Còn nhớ, trong đợt đi thực tập sư phạm, tôi được phân công giảng dạy môn văn học lớp 4A3 trường tiểu học X.
Tuy là lớp tiên tiến xuất sắc luôn dẫn đầu khối bốn nhưng mấy cô bạn thực tập sinh cùng với tôi, ai cũng lắc đầu ngao ngán vì một cậu học trò có biệt danh "Hùng láu".
Quả là cậu này thiệt đúng như những gì mọi người đã " đồn đại".
Một lần, trong giờ tập làm văn miệng, tôi ra đề: "Nhân dịp nghỉ hè, em được bố mẹ cho về quê thăm bà ngoại. Em hãy tả lại bà ngoại của mình."
Sau ít phút để các em chuẩn bị vào giấy nháp, tôi vô tình gọi "Hùng Láu" đứng lên đọc bài của mình.
Vừa nghe gọi tên mình, cậu ta đứng bật dậy như cái lò so, nhìn vào vở nháp đọc vanh vách:
"Hè năm nay, em được mẹ cho về quê thăm bà ngoại. Quê em ở ngay Cầu Diễn, rất gần, nếu đi xe máy thì chỉ mất gần một tiếng đồng hồ là đến nơi.
Khi em và mẹ về đến nơi thì nghe mợ em nói, bà ngoại đã sang làng bên ăn giỗ sáng mai mới lại nhà.
Biết không thể chờ lâu nên mẹ em đành phải quay xe, đưa em về".
Đọc đến đó, cậu ta dừng lại, ngẩng lên liếc nhìn tôi, giọng oang oang:
-Thưa cô...Tiếc quá! Bà ngoại em đi vắng, em không nhìn thấy bà nên không tả được ạ. Xin hết.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn Hùng Láu.
Trong lúc tôi còn quá ngỡ ngàng thì cả lớp cười rộ lên khiến tôi đỏ mặt chẳng nói được gì nữa.
Tuần sau đó, lại có giờ tập làm văn miệng.Tôi nắn nót viết đề lên bảng: "Nhân dịp trung thu, ông ( hoặc bà nội, ngoại) đến chơi và tặng cho em một món quà mà em rất thích. Em hãy tả lại món quà ý nghĩa ấy".
Không để tôi phải gọi, cậu trò láu cá ấy đã giơ tay xung phong đọc bài văn của mình.
Đinh ninh chắc lần này, cậu ta sẽ làm bài nghiêm túc nên tôi rất chăm chú lắng nghe.
Vẻ mặt tỉnh bơ, cậu ta dõng dạc đọc:
-"Ở nhà, em quý nhất ông nội.Trung thu nào ông cũng mua quà tặng em. Chỉ tiếc rằng...ông em đã mất cách đây cả chục năm rồi nên trung thu này không thể mua quà cho em được. Tiếc quá! Còn bà nội và ông bà ngoại của em thì ki bo lắm chẳng bao giờ mua quà cho em cả. Chán thật! " (Ông nội của "Hùng Láu"đúng là đã mất từ khi cậu ấy còn rất bé)- Ngừng giây lát, nó liếc xéo nhìn tôi nở nụ cười ranh mãnh nói rõ to- Hết ạ.
Nó vừa dứt lời thì cả lớp cười phá lên. Tôi giận đỏ mặt, đập mạnh thước kẻ xuống bàn quát :
-Trật tự! Tất cả trật tự !-Rồi tôi quay về phía cậu học trò "cá biệt" kia, quát to hơn-Hùng! Con còn muốn học nữa không, hả?
Cậu ta hơi giật mình, mặt tái đi, giọng luống cuống:
-Dạ, thưa cô...con...
Nhìn vẻ mặt " Hùng láu" khi đó trông thật tội nghiệp nên tôi đã kịp trấn tĩnh lại.
Tôi đến bên cậu ta khẽ nói, giọng như sắp khóc:
- Hùng ơi!...-Hùng Láu ngẩng lên nhìn tôi đầy vẻ lo lắng.-Tôi nhìn thẳng vào mắt cậu bé, nói-Con sao thế?Vì cô là giáo viên thực tập con không phục nên mới làm trò như thế phải không? Con không muốn cô giảng dạy nữa sao?- Ngừng giây lát, tôi nói tiếp- Con có biết, con làm thế khiến cô rất buồn không? ... Thực sự, cô buồn lắm...
Giọng tôi nghẹn đắng, mắt rưng rưng lệ. Cả lớp chợt im phăng phắc. Có nhiều em nhìn tôi cũng rơm rớm nước mắt.
"Hùng Láu" cúi mặt xuống khẽ thở dài, rồi chẳng hiểu sao nó đứng bật dậy, giọng run run:
-Thưa cô...con xin lỗi cô.Từ nay, con sẽ sửa chữa . Xin cô đừng buồn, đừng khóc nữa ạ...Con chỉ ham pha trò thế thôi, còn thực lòng... con rất ... quý cô... Con ...
"Hùng Láu" chỉ nói được có thế rồi bật khóc nức nở.
Cả lớp bỗng vỡ òa trong tiếng vỗ tay vang dội.
Tôi tròn mắt nhìn cậu bé, rồi nở nụ cười, miệng hơi mếu máo.
Những giọt nước mắt lăn nhanh trên má tôi nóng hổi. Đó là những giọt nước mắt đầu tiên trong cuộc đời làm nghề giáo viên của tôi, đầy ý nghĩa và chứa chan niềm hạnh phúc...